Tin tức Gia Kiệm
VÌ SAO THÁI LAN LUÔN LÀ CƯỜNG QUỐC VỀ NÔNG NGHIỆP THẾ GIỚI CÒN VIỆT NAM THÌ ... - Phiên bản có thể in

+- Tin tức Gia Kiệm (https://giakiem.com.vn/f)
+-- Diễn đàn: Tin tức (https://giakiem.com.vn/f/forumdisplay.php?fid=3)
+--- Diễn đàn: Khoa học - Công Nghệ (https://giakiem.com.vn/f/forumdisplay.php?fid=23)
+--- Chủ đề: VÌ SAO THÁI LAN LUÔN LÀ CƯỜNG QUỐC VỀ NÔNG NGHIỆP THẾ GIỚI CÒN VIỆT NAM THÌ ... (/showthread.php?tid=1128)



VÌ SAO THÁI LAN LUÔN LÀ CƯỜNG QUỐC VỀ NÔNG NGHIỆP THẾ GIỚI CÒN VIỆT NAM THÌ ... - NguyenDucManh - 04/05/2023

VÌ SAO THÁI LAN LUÔN LÀ CƯỜNG QUỐC VỀ NÔNG NGHIỆP THẾ GIỚI CÒN VIỆT NAM THÌ LUÔN “ĐƯỢC MÙA MẤT GIÁ, GIẢI CỨU NÔNG SẢN” ?

[Image: ad0b891b-a6fd-4bee-859e-a21ba683aa23.jpg]

Xét về vị trí địa lý thì đất đai phì nhiêu, màu mỡ,thì Thái Lan không thể bằng Việt Nam. Xét về đa dạng sinh học, khí hậu địa lý để phát triển nông nghiệp thì Thái Lan lại càng không thể so sánh với Việt Nam. Vậy Tại Sao họ vẫn luôn đứng top đầu thế giới về khai thác du lịch và phát triển nông nghiệp còn Việt Nam thì năm nào cũng phải giải cứu nông sản ?

Khác nhau do đâu ?

Phải Chăng là do Yếu tố Đầu Ra, Tầm Nhìn, Tư Duy Ngắn Hạn Dài Hạn, Xây Dựng Thương Hiệu và Tiếp Thị ?

Đầu tiên, chúng ta cùng nhìn qua nước láng giềng Thái Lan.

Thái Lan họ đi trước chúng ta 20-30 năm về phát triển du lịch và nông nghiệp. Họ không phải hứng chịu chiến tranh như Việt Nam. Họ đã có tầm nhìn, tư duy dài hạn từ những ngày mà Việt Nam mới hội nhập. Từ năm 2001, chính phủ Thái Lan đã thực hiện chính sách “ Mỗi Làng Một Sản Phẩm”. Theo đó chính phủ hỗ trợ về tiếp thị, xúc tiến bán hàng, huấn luyện và chuyển giao công nghệ cho nông dân nhằm phát triển các nghề thủ công truyền thống của Thái Lan, tạo ra sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương có chất lượng, độc đáo về mẫu mã, kiểu dáng, xuất khẩu rộng rãi trên thị trường thế giới.

Đi cùng với sự phát triển sản phẩm nông nghiệp theo sự cá biệt hóa theo thương hiệu địa phương “mỗi làng một sản phẩm” thì họ đã chú trọng đến khai thác các sản phẩm hữu cơ được chính phủ sàng lọc, phân loại dựa theo 4 tiêu chí: Có thể xuất khẩu với giá trị thương hiệu; sản xuất liên tục và nhất quán; đảm bảo tiêu chuẩn hóa và có tính đặc biệt. Họ khai thác du lịch trên chính những làng quê mang sản phẩm riêng biệt đó. Khi khách du lịch và người tiêu dùng đến thăm quan địa phương áp dụng mô hình ‘Mỗi làng một sản phẩm”, ngoài việc nhìn thấy các sản phẩm được bày bán trên kệ, họ có thể biết thêm về bối cảnh lịch sử của mỗi sản phẩm, quá trình sản xuất, câu chuyện bên lề về sản phẩm đó, lối sống và tập quán riêng của cộng đồng. Từ đó, tạo sự hấp dẫn thu hút du khách và giá trị gia tăng cho mỗi sản phẩm, thay vì chỉ thấy mức giá niêm yết trên sản phẩm đó.

Từ những năm 2014, Họ đã có chiến lược phát triển "Nông dân thông minh - Phát triển kinh tế nông nghiệp Thái Lan”. Với hệ thống “thông minh”, người nông dân có thể sử dụng kiến thức, cũng như công nghệ để sản xuất hiệu quả hơn, an toàn hơn trong sản xuất hàng hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ở đó những người nông dân được đào tạo, chính sách hỗ trợ, phát triển để họ trở thành những doanh nhân nông nghiệp. Chính phủ Thái Lan họ có tầm nhìn chung về chiến lược “Tiếp thị dẫn dắt sản xuất” đó là hỗ trợ nhân dân tiếp thị nông sản, xây dựng thương hiệu địa phương theo từng làng bản và đưa Thái Lan trở thành nhà sản xuất thực phẩm hàng đầu thế giới.

Mỗi người dân Thái Lan họ ý thức được tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm và yếu tố đầu ra là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Hãy nhìn cách người nông dân Thái Lan tiếp thị sản phẩm và bán hàng chúng ta cũng có thể thấy được sự khác nhau lớn giữa tầm nhìn, tư duy dài hạn của họ và mình. Họ đã sáng tạo ra mô hình xe lưu động để bán nông nghiệp sạch từ tay họ làm ra. Mỗi người nông dân họ không chỉ biết trồng trọt mà còn là người hướng dẫn viên du lịch, người làm Marketing quảng bá cho chính sản phẩm của mình.

Còn Việt Nam thì sao ?

Chúng ta luôn chỉ nhìn thấy cái nhìn ngắn hạn và cái lợi trước mắt. Chỉ quan tâm đến yếu tố đầu vào là sản xuất thế nào để năng suất nhất, hiệu quả nhất, lợi nhuận nhất, dùng bất chất hóa chất gì để làm sao hoa màu phát triển nhất. Tâm lý đám đông, làm gì thì cùng làm, thấy làm hay bán tốt thì sân si làm theo. Cốt tạo ra được sản phẩm chứ không cần quan tâm đến yếu tố thương hiệu, tem mác hàng hóa.

Mà không quan tâm đến yếu tố đầu ra: Ai là người sử dụng sản phẩm mà mình làm ra ? Họ ăn vào sẽ cảm nhận sao? Họ có bị ảnh hưởng sức khỏe không khi dùng sản phẩm mình làm ra ? Rồi ai cũng cùng sản xuất một loại cây trồng như mình, cung vượt cầu thế rồi bán cho ai ? Sản phẩm chất lượng kém như này thì xuất khẩu đi nước nào dám nhận ? Sản phẩm không có thương hiệu, bao bì, tem mác rồi ai là người dám mua ?

Thì có lẽ, không có chuyện năm nào người dân vất vả cực khổ để tạo ra cây trái lại được mùa thì mất giá, giải cứu nông sản; Mất mùa thì trắng tay như vậy.

Nhưng nếu như đổ hết trách nhiệm lên đầu người dân thế là hoàn toàn sai lầm. Bởi chỉ mó tay vào làm nông mới thấy để thu hoạch một cây trồng nó vất vả và gian khổ ra sao. Chỉ có ra đồng cuốc cỏ mấy hecta đất thì mới hiểu vì sao họ phải dùng thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Nếu như thấu hiểu khó khăn họ đang phải đối mặt thì sẽ hiểu tại sao họ lại làm bất chấp như vậy.

Vậy trách nhiệm thuộc về ai ? Làm sao để đưa nông sản Việt Nam nâng tầm thế giới? Có lẽ, nó cần sự chung tay, đoàn kết của toàn dân tộc. Nếu như chính phủ có những chính sách, tầm nhìn dài hạn phát triển thương hiệu nông nghiệp Việt và người dân nghe làm theo ? Nếu như người tiêu dùng, không ham đồ rẻ và luôn ủng hộ những nông sản Việt chất lượng ? Nếu như những kỹ sư Việt Nam sáng tạo ra những công nghệ tiên tiến giúp người dân ứng dụng được vào trong sản xuất ? Nếu như những người tài không chỉ tập trung hết mưu sinh ở phố thị chật hẹp mà về quê trở thành những doanh nhân nông nghiệp ? Nếu như học được những tư duy, chiến lược, cách làm hay của các nước bạn về ứng dụng ở nước mình? Thì có lẽ mọi chuyện sẽ khả quan hơn.

Dân tộc Việt Nam là dân tộc hùng cường, đoàn kết, với sự yêu nước, tự tôn dân tộc mà hiếm quốc gia nào trên thế giới có thể sánh bằng. Nhưng có lẽ tinh thần dân tộc ấy cần kết về một mối để đưa nông nghiệp Việt Nam vươn lên trở thành thương hiệu nông nghiệp hàng đầu thế giới.

[Image: abdff5d1-b76e-4ea8-8b05-ebdd4629c5cd.jpg]

Nguồn: Bác Tính Nguyễn