CHA NGƯỜI ĐÀN ÔNG VĨ ĐẠI NHẤT TRONG CUỘC ĐỜI BẠN! - Phiên bản có thể in +- Tin tức Gia Kiệm (https://giakiem.com.vn/f) +-- Diễn đàn: Tin tức (https://giakiem.com.vn/f/forumdisplay.php?fid=3) +--- Diễn đàn: Giáo dục (https://giakiem.com.vn/f/forumdisplay.php?fid=8) +--- Chủ đề: CHA NGƯỜI ĐÀN ÔNG VĨ ĐẠI NHẤT TRONG CUỘC ĐỜI BẠN! (/showthread.php?tid=1164) |
CHA NGƯỜI ĐÀN ÔNG VĨ ĐẠI NHẤT TRONG CUỘC ĐỜI BẠN! - martinpham - 31/08/2023 Trong cuộc sống mỗi người, ai cũng có một người và có thể hơn thế nữa để xem là thần tượng. Người mà cả cuộc đời ta phải luôn thể hiện lòng biết ơn và sự thành kính tri ân mãi mãi. Với tôi, người đó chính là cha. Cha Tôi đã cho tôi những bài học làm người đầu tiên, là bậc thầy trong cuộc sống, là thần tượng để cả đời tôi khát khao vươn tới, đã đặt nền móng cho sự hình thành nhân cách của tôi. Trong cuộc thi Nét bút tri ân này, tôi xin mượn diễn đàn để thổ lộ vài dòng cảm xúc về người cha yêu quý của mình. Tôi thầm mong ở nơi quê xa ấy, cha tôi có thể nghe được những dòng xúc động của con mình, để hiểu hơn tình cảm của tôi dành cho cha và mong mỏi vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Nói về cha, tôi có thể nói cả cuộc đời mình và có thể không thể nào kể hết những sự vất vả, cực nhọc mà cha đã trải qua trong cuộc sống thường ngày để nuôi chúng tôi khôn lớn trưởng thành. Tôi còn nhớ ngày tôi còn là một cậu học sinh tiểu học. Quê tôi nghèo, nhà tôi cũng xơ xác thiếu cơm. Cha phải đôn đáo lo cho cái ăn của gia đình hàng bữa. Trời mùa đông, con đường đi từ nhà đến trường trở nên lầy lội. Vì trâu bò đi nhiều nên con đường vốn đầy ắp những kỷ niệm tuổi thơ tôi bỗng trở nên xấu đi, bùn lầy đến đầu gối của người lớn. Như vậy là nỗi cực nhọc hằng ngày vốn đã nặng oằn vai cha, nay lại thêm nhiều vất vả. Cha tôi phải cõng tôi đi học hằng ngày. Bởi ngày ấy tôi bị bệnh viêm cơ chân và ghẻ nước ăn chân nên cứ mỗi khi đến mùa mưa lún, tôi không thể đi lại một mình. Vậy là cha tôi phải cõng tôi hàng cây số đưa tôi đến trường. Con đường lại lầy lội hơn, trơn trượt hơn khi có đàn trâu bò vừa đi qua. Người lớn còn vất vả khi phải lội xuống con đường này huống gì chúng tôi. Có lần hai cha con cùng ngã lăn đùng. Ngồi trên lưng cha mà tôi nước mắt cứ rơi giàn giụa vì thấy thương cha quá. Cha vừa phải lo cho cái bếp nhà mình lên khói đều đều mỗi bữa, lại lo cho việc đi học của các con. Có lần cha bảo tôi rằng: "Con trai ạ, mai mốt trời nắng lên, con phải cố gắng tập đi bằng chính đôi chân của mình, chứ cha không thể cõng con cả đời được đâu". Nghe cha nói thế, tôi hiểu rằng cha bảo tôi tập đi khi bệnh viêm cơ được chữa khỏi, nếu không cố gắng luyện tập sẽ bị liệt cả đời. Tôi hiểu thế nên lại thấy thương cha nhiều hơn. Một hôm, tôi có ý định bỏ học. Bởi lúc đó tôi nghĩ rằng nếu tôi nghỉ học thì cha sẽ không phải vất vả cõng tôi đi học hằng ngày. Cha biết được ý định đó của tôi. Có lẽ cha buồn lắm. Đến bữa cơm chiều, khi cả nhà ngồi vào bàn, cha đã tìm chuyện đời xưa để kể. Những câu chuyện đã tạo nên không khí ấm cúng của gia đình bên mâm cơm đạm bạc. Những câu chuyện ngụ ngôn rất hay, nội dung xoay quanh niềm tin, khát vọng và nghị lực của con người vươn lên trong cuộc sống. Có lẽ cha sợ chúng tôi không hiểu những hàm ý mà cha muốn gửi gắm qua những câu chuyện kể. Bất chợt cha đổi đề tài sang hỏi đố. Cha bảo tôi và anh tôi rằng cha đố hai đứa con, nếu một người cầm ngọn đuốc và một người không có đuốc, thì khi đi trong đêm người nào sẽ đi nhanh hơn và tránh được những vũng lầy? Sau khi anh em chúng tôi lần lượt trả lời. Cha tôi lại hướng về phía tôi và nói: "Kiến thức ở đời cũng giống như cây đuốc trong đêm tối vậy, nếu không có đuốc thì chúng ta sẽ bị sập những vũng lầy trong cuộc sống. Đời cha nghèo, cha không có gì để lại cho các con khi qua đời, cha chỉ có sự cố gắng cho các con ăn học để kiếm cái chữ mà sống với đời". Đến đây, chúng tôi đã hiểu được ý cha. Cả mâm cơm lặng xuống. Nước mắt tôi giàn giụa, tôi thầm hứa với cha rằng con sẽ cố gắng học hành tử tế, mong cha đừng lo cho chúng con nữa. Sự quan tâm đến việc học hành của chúng tôi, cha cũng có cách quan tâm không giống như những người cha của bạn tôi trong xóm. Cha không hề hỏi chúng tôi rằng hôm nay con được mấy điểm, hay thầy cho con mấy điểm mỗi khi chúng tôi đi học về cả. Nhiều lúc tôi thấy phân vân, phải chăng cha không để ý đến việc học của mình. Lũ bạn trong xóm, mỗi khi được điểm 10 thì được ba mẹ thưởng tiền ăn quà, còn tôi thì không bao giờ được cha hỏi để có cơ hội khoe. Cha tôi chỉ đố vui theo chương trình mà chúng tôi đang học. Trong hai anh em chúng tôi, đứa nào giải được câu đố cha đưa ra thì tối được nghe cha kể chuyện đời xưa, nếu không giải được câu đố thì ánh mắt của cha thoáng buồn và tất nhiên sẽ tối đó sẽ không được nghe cha kể chuyện. Tôi nhớ có một lần cha đố chúng tôi. Anh trai tôi vì học lớn hơn nên cha ra bài tập là: cây đèn nhờ thứ gì mà sáng? Còn tôi vì học nhỏ hơn nên được lĩnh bài tập có lẽ là dễ hơn. Cha hỏi: "Trên đời này loại lá cây nào chỉ có một mặt chứ không có mặt trái và mặt phải?". Thời gian cho chúng tôi suy ngẫm là một tuần. Cha bảo nếu đứa nào có câu trả lời sớm hơn sẽ được nhận phần thưởng xứng đáng. Một tuần trôi qua mà chúng tôi đều không ai có câu trả lời chính xác. Bữa cơm chiều đến hẹn, hai anh em chúng tôi đều lo âu sự trách phạt của cha. Cha cười và bảo với chúng tôi: các con học nhiều ở sách vở mà không chú ý đến những gì ở xung quanh mình. Cha giải thích câu đố: "Cây đèn sáng được là nhờ bóng tối, nếu cây đèn được đốt giữa ban ngày thì làm sao thấy ánh sáng của đèn cho được! Sống ở đời, các con cần phải biết chỗ nào tối chỗ nào sáng, chỗ nào hay chỗ nào dở mà sống cho phù hợp". Còn bài tập của tôi, cha giải thích và kể cho chúng tôi nghe câu chuyện ngụ ngôn về lá tràm. Cha bảo trên đời này hãy sống đừng như lá tràm, phải biết có mặt trái, mặt phải, có trên, có dưới như lá tràm trong câu chuyện. Nghe xong câu chuyện chúng tôi mới bừng tỉnh, chúng tôi mới hiểu hơn những gì qua mỗi câu chuyện kể của cha hằng đêm. Cha tôi dạy chúng tôi như vậy đấy! Ngày tôi ra trường, tìm việc. Lũ bạn tôi lựa chọn nơi công tác, chạy chọt nhờ giúp đỡ. Với uy tín của cha lúc ấy, có lẽ cha sẽ đủ để xin cho tôi được một nơi công tác vừa ý. Nhưng cha tôi bảo: "Con này, ngày trước con đã đến trường bằng đôi chân của mình và hôm nay ra trường con hãy đi bằng chính đôi chân ấy để xin việc. Nếu con là người mà xã hội dùng được thì tất nhiên sẽ có nơi con làm việc, nếu cha xin việc cho con mà con là người xã hội không dùng được thì sẽ không bền, khó cho cha và khó cả cho con. Con trai hãy hiểu ý cha!". Nghe cha nói vậy, tôi đã mạnh dạn thử nghiệm cuộc sống tự lập của mình bằng cách nộp đơn xin việc ở một nơi xa quê hương. Quả nhiên, tôi được tuyển dụng và làm việc ở đó cho tới bây giờ. Với tôi, cha là một thần tượng. Cha là một người thầy mẫu mực trong cuộc sống, cha đã dạy cho tôi những bài học làm người hữu ích, đó là tính tự lập, là lòng tin, sự khát vọng cho tương lai, là cái nhìn đa chiều cho cuộc sống. Quan trọng hơn đó là phương pháp dạy người. Tôi đã học rất nhiều phương pháp sư phạm ở trường, nhưng với phương pháp dạy người của cha, tôi luôn thấy hoàn hảo và đã áp dụng trong quá trình công tác của mình. Hôm nay, tôi ngồi viết những dòng tâm sự về người cha vĩ đại của mình, rất mong bài viết này sẽ là một lời tri ân thành kính của bao đứa con, bao thế hệ học trò kính dâng lên những đấng sinh thành, những bậc thầy cao quý trong cuộc sống. Xin được tri ân những người đã cho tôi niềm tin! nguồn:TTO |