Đánh giá chủ đề:
  • 0 Vote(s) - Trung bình 0
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
Việc Thông Tin Sai Lạc Về Đạo Công Giáo Thì Thật Nguy Hiểm!
#1
Việc Thông Tin Sai Lạc Về Đạo Công Giáo Thì Thật Nguy Hiểm!
Một chỉ dẫn cho những người Công giáo cũng như không Công giáo
Ngày nay, có rất nhiều lời bàn tán về việc thông tin sai lạc. Đây là một mối lo ngại có thể hiểu được, vì đó sẽ là một bi kịch cho những người phải đón nhận những thông tin sai lạc về một chủ đề quan trọng liên can đến sự sống và cái chết. Quả thế, sẽ thật nguy hại cho bất kỳ nhóm người nào bị dụ dỗ hay bị lừa dối về những thông tin cứu rỗi mạng sống của họ.
[Image: c5532c17-2b67-495e-9d59-48dadcade272.jpg]
   Kể từ cuộc Cải cách Tin lành khoảng 500 năm trước, Giáo hội Công giáo đã bị xuyên tạc một cách bi thảm.
Đấng Đáng Kính, Giám mục Fulton Sheen đã có một câu nói thời danh: “Không có đến một trăm người ghét Giáo hội Công giáo, nhưng có cả hàng triệu người ghét những gì họ lĩnh hội sai về Giáo hội Công giáo”. Hàng triệu người đã và đang chịu sự chi phối của những thông tin sai lạc về Giáo hội Công giáo trong nhiều thế hệ. Theo ước tính của tôi, đây là trường hợp nguy hại nhất về việc thông tin sai lạc mà thế giới từng chứng kiến, và những hệ lụy của nó thì vĩnh cửu.
Sắc chỉ Exsurge Domine là lời phản hồi chính thức của Đức Giáo hoàng Leo X đối với 95 Luận đề của Martin Luther vào năm 1520. Lời phản hồi này đề cập đến 41 chủ đề mà Luther nêu lên. Các chủ đề trong vòng tranh luận đã được giải quyết, và được Giáo hội chuẩn nhận. Sự ly khai do Martin Luther khởi xướng là không cần thiết. Hậu quả của sự ly khai này là thế giới Kitô giáo đã liên tục bị chia rẽ (hiện nay có hơn 40.000 giáo phái Kitô).
“Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.” (Ga 17,20-21) Đức Giêsu cầu nguyện để tất cả chúng ta nên một, và Ngài ban cho chúng ta một phương tiện cho sự hiệp nhất phổ quát này là Giáo hội Công giáo.
Với nỗ lực nhằm xua tan sự nhầm lẫn, tôi xin đưa ra bảy chủ đề phổ biến thường bị thông tin sai lạc liên quan đến Giáo hội Công giáo, và tôi cầu nguyện rằng những trái tim và khối óc cởi mở có thể dễ dàng đón nhận Giáo hội Công giáo – một Giáo hội được Thiên Chúa thiết lập: để tất cả chúng ta nên một.
   Giáo hội Công giáo được thiết lập bởi Chúa Giêsu Kitô
Giáo hội là Hiền thê của Đức Kitô, được thiết lập bởi một Ngôi vị Thiên Chúa, Đấng đã trao quyền cho các tông đồ và những người kế vị để họ dẫn dắt các tín hữu vào trong Chân lý Toàn vẹn. Thật vậy, Giáo hội là trụ cột và điểm tựa của chân lý (1Tm 3,15). Đức Giêsu đổi tên tông đồ Simon thành Phêrô, có nghĩa là “đá”. Ngài nói: “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời.” (Mt 16,18-19)
Và Giáo hội này phải tồn tại hữu hình: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được.” (Mt 5,14-15; x. Lc 8,16.11,33) Đức Giêsu sai các tông đồ của Ngài đến với muôn dân để “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20) Nếu Giáo hội của Đức Kitô không tồn tại hữu hình, thì Chúa Giêsu đã rao giảng một sự mâu thuẫn.
   Những Kitô hữu đầu tiên là những người Công giáo
Năm 107 sau Công Nguyên, Thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã viết: “Tất cả anh em phải vâng theo sự hướng dẫn của giám mục, như Đức Giêsu Kitô đã vâng theo Thiên Chúa Cha; nghe theo các linh mục như anh em nghe theo các Tông đồ; tôn kính các phó tế như anh em tôn kính các lệnh truyền của Thiên Chúa. Anh em đừng làm gì đụng đến Giáo hội mà không có giám mục… Đâu có giám mục thì đấy có cộng đoàn, cũng như đâu có Đức Giêsu Kitô thì ở đấy có Hội thánh Công giáo.” (Thư thứ hai gửi tín hữu Philadelphia).
Các văn kiện huấn giáo thời kỳ đầu như sách Điđakhê (năm 90 sau Công Nguyên) và những bức thư hộ giáo của các triết gia thời kỳ đầu như Thánh Giustinô Tử đạo cho thấy một Giáo hội hữu hình năng động với những thực hành cầu nguyện, ăn chay, thờ phượng vào các ngày Chúa nhật, chia sẻ Lời Chúa và rước Thánh Thể. Điều quan trọng đối với các Kitô hữu thời kỳ đầu là vâng theo các tông đồ và các giám mục đã được bổ nhiệm. Tertulianô của xứ Carthagô tuyên bố vào năm 240 sau Công Nguyên: “Nếu Chúa Giêsu Kitô đã sai các Tông Đồ đi rao giảng, thì không ai khác nhận được điều đó, ngoại trừ những người do Đức Kitô chỉ định: Vì không ai biết Cha, trừ Người Con.”
   Kinh thánh là một bộ sách Công giáo
Kinh thánh, với tất cả các quyển sách trong đó, không “rơi từ trên trời xuống” trong một tập hoàn chỉnh (và được in ra). Kinh Thánh cần tới 1500 năm để được hoàn thành. Đến năm 45 sau Công nguyên, các tác giả mới bắt đầu viết Tân ước. Năm 397 sau Công nguyên, Bộ kinh thánh hoàn chỉnh mới chính thức được quy điển. Khoảng năm 1080, Tổng giám mục Stephen Langdon của Canterbury mới đánh số các chương trong Kinh Thánh, và đến 1.400 năm sau Công nguyên kinh thánh mới được in ra phổ biến. Qui điển kinh thánh do Giáo hội Công giáo xác định, nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Thế giới Kitô giáo phải cảm ơn Chúa Thánh Thần và Giáo hội Công giáo vì đã công nhận và bảo tồn Kinh thánh.
    Bí tích Thánh Thể không phải là một biểu tượng. Đó là chính Chúa Giêsu Kitô.
Người sáng lập đạo Tin lành, Martin Luther, đã tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể khi nói: “Không có sự sống mà chỉ có sự chết ngoài Mình và Máu của Người, nếu Thánh Thể bị bỏ qua hoặc coi thường. Làm sao có thể xuyên tạc được điều này?” (Các bài giảng về Tin Mừng theo Thánh Gioan: 6-8, 1532)
Thomas Cranmer, một nhà cải cách theo hướng sửa đổi trong Giáo hội Anh giáo, khẳng định thần học về Sự hiện diện Thực sự theo cách này:
“Điều tôi muốn nói ở đây là tất cả sức mạnh, ân sủng, hiệu lực và ích lợi của thân thể Đức Kitô đã bị đóng đinh vì chúng ta, và của máu của Người đã đổ ra cho chúng ta, thì hiện diện thực sự và hữu hiệu cho những người lãnh nhận bí tích này một cách xứng hợp.” (Các bài viết và lời tuyên bố của Thomas Cranmer, Tổng giám mục Canterbury, 1556)
Chương trình cứu độ của Thiên Chúa được trình bày cho chúng ta qua của ăn. Tội đầu tiên mà con người phạm liên quan đến việc hưởng dùng của ăn (St 3,6), bữa ăn Lễ Vượt qua hoàn tất với việc ăn Con Chiên không tì vết (Xh 12), trong sa mạc, dân Israel được ăn bánh manna từ trời (Xh 16,4), Chúa Giêsu được sinh ra và đặt nằm trong một máng ăn cho súc vật ở Bêlem, nơi mà theo tên gọi có nghĩa là “Thành phố của Bánh” (Lc 2,6).
Chính Chúa Giêsu nói:
“Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ… Tôi là bánh từ trời xuống… Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống… Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết… Vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.” (Ga 6,35-55)
Những người Do Thái đã cãi nhau và bỏ đi. Nhiều môn đồ cũng bỏ đi vì “lời chướng tai” này. Các Tông đồ ở lại và tuyên bố: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?” Chúa Giêsu Kitô đang kêu gọi bạn đón nhận Người trong Bí tích Thánh Thể, bí tích chỉ được cử hành trong Giáo hội Công giáo. Và Chúa Giêsu đã hỏi: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư?” (Ga 6,61)
     Người Công giáo không tôn thờ Đức Maria
Các Giáo thuyết về Đức Maria là một trong những giáo lý khó chấp nhận nhất đối với những người không Công giáo (và cả với một số người Công giáo). Đức Maria là Kitô hữu đầu tiên và cũng là “môn đệ” trước hết của Đức Giêsu. Kinh Thánh nói với chúng ta rằng “hết mọi đời sẽ khen Mẹ diễm phúc” (Lc 1,48). Thiên thần Gabriel quỳ gối trước mặt Mẹ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng!” (Lc 1,28).
Kinh thánh gọi Đức Mẹ là Hòm bia của Giao ước Mới. Hòm bia Giao Ước Cũ chứa đựng (1) Lời Chúa trên những tấm bia đá, (2) cây gậy của Aaron, tư tế của tổ phụ chúng ta, (3) Bánh manna từ trời xuống. Đức Maria cưu mang nơi cung lòng mình (1) Lời của Thiên Chúa mặc lấy xác phàm, Đức Giêsu Kitô, (2) Tư tế Thượng Phẩm, Đức Giêsu Kitô, (3) Bánh Hằng Sống, Đức Giêsu Kitô.
Vua Đavit mang Hòm bia Giao ước Cũ đến vùng đồi núi để bảo vệ an toàn. Đavit trỗi dậy và đi rước Hòm Bia về Giêrusalem (2Sm 6,2); Đavid nói: “Hòm Bia Thiên Chúa đến với tôi thế nào được?” (2Sm 6,9); Đavit nhảy mừng vì sự hiện diện của Hòm Bia (2Sm 6,14-15); Hòm Bia vẫn ở trên đồi trong 3 tháng (2Sm 6,11). Tương tự như vậy, Đức Maria trỗi dậy và đi thăm người chị họ là Êlizabeth (Lc 1,39); Khi Đức Maria đến, bà Êlizabeth nói” “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,43); Đứa con chưa sinh của Êlizabeth, Gioan Tẩy giả, nhảy mừng trước sự hiện diện của Đức Maria (Lc 1,41); Đức Maria ở với bà Êlizabeth trong vòng 3 tháng (Lc 1,56).
Đức Maria, Hòm bia giao ước mới, sau này được nhìn thấy trên thiên đàng, mặc áo mặt trời, với triều thiên có 12 ngôi sao, đại diện cho 12 chi tộc được quy tụ bởi Đức Giêsu Kitô, từ dòng dõi Đavit (Kh 12,1). Dân Israel không tôn thờ Hòm Bia, thay vào đó họ tôn thờ những gì thuộc về Thiên Chúa bên trong Hòm Bia.
Người Công giáo không tôn thờ Đức Mẹ. Thay vào đó, họ theo truyền thống lâu đời của Kitô giáo — họ tôn kính Mẹ (Xh 20,12), và họ xin Mẹ những lời chuyển cầu. Họ cầu khẩn Đức Maria làm Đấng cầu bầu cho họ. Những lời cầu nguyện đó có hiệu lực biết bao (Gc 5,16)! Người sáng lập ra đạo Tin lành nói về Đức Maria: “Đức Maria là người phụ nữ cao trọng nhất và là viên ngọc quý giá nhất trong Kitô giáo sau Chúa Giêsu Kitô. Ngài là sự cao quý, trí tuệ và sự thánh thiện được nhân cách hóa. Chúng ta không bao giờ có thể tôn vinh Ngài cho đủ.” (Martin Luther, 1531)
     Người Công giáo không tôn thờ các thánh, hoặc cầu khẩn người đã chết.
Người Công giáo tin rằng chết không phải là hết. Những người vào thiên đàng được sống nhờ Chúa Giêsu Kitô (Ep 2,5). Khi chúng ta “chạy trong cuộc đua” ở nơi trần thế này, các thánh trên trời đang cổ vũ chúng ta như một đám mây nhân chứng lớn (Hr 12,1). Kinh Thánh cho thấy các thánh dâng lời cầu nguyện quyện với khói hương bay lên trước nhan Thiên Chúa (Kh 8,4). Chính Chúa Giêsu đã nói chuyện với những người đã chết ngay trong cuộc hiển dung vinh quang của Ngài với Môsê và Êlia (Mt 17,2).
Người Công giáo tôn kính tượng ảnh của các vị thánh để ghi nhớ cuộc đời Kitô hữu và gương chứng nhân sống động của các ngài. Thiên Chúa ra lệnh làm hai bức tượng kêrubim lớn bằng vàng trên Hòm bia Giao ước (Xh 25,18). Cũng giống như bạn có thể hôn ảnh của những người thân yêu của mình, và không tôn thờ tấm ảnh ấy, thì người Công giáo tôn kính những ký ức về các vị thánh bằng cách sử dụng các tượng ảnh mà không tôn thờ chất liệu đất đá.
    Được cứu độ? Người Công giáo theo con đường cứu độ của Kinh thánh
Người Công giáo tin theo cách hiểu của Kinh thánh về việc “được cứu độ” và “được sinh lại”. Có bốn yếu tố chính để được cứu độ, như được mô tả trong Kinh Thánh:
1) Đức tin: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rm 10,9)
2) Phép rửa: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra bởi nước và Thần Khí.” (Ga 3,5) “Phép rửa cứu thoát anh em”. (1Pr 3,21)
3) Bí tích Thánh Thể: “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.” (Ga 6,53)
4) Thi hành ý muốn của Chúa Cha: Người Công giáo không tin rằng ơn cứu độ có thể giành được. Tuy nhiên, những việc làm tốt là một minh chứng thích hợp cho đời sống Kitô hữu. “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7,21) “Anh em thấy đó, nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi.” (Gc 2,24)
Với vô số nguồn thông tin, phương tiện truyền thông, tạp chí khoa học và những người kiểm duyệt thông tin làm việc không mệt mỏi để kiểm chứng thông tin xác thực và đáng tin cậy, sẽ rất hữu ích khi ta thực hiện một tìm hiểu cá nhân liên quan đến đời sống thiêng liêng và tính xác thực của tôn giáo. Giáo hội Công giáo tuyên bố cách bạo dạn rằng mình là Giáo hội Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền do Chúa Giêsu Kitô thiết lập. Nếu lời khẳng định này là đúng, thì thật hợp lý khi bạn cho Giáo hội một sự đối xử công bằng và hãy tìm kiếm sự thật. Dưới đây là một số quyển sách tuyệt vời của người Công giáo nêu bật các cuộc cải đạo, lời chứng và giáo huấn của Giáo hội:
What Catholics Really Believe (Những gì người Công giáo thực sự tin theo) của Karl Keating
Rome Sweet Home (Roma, quê nhà yêu dấu, Nhà Sách Đức Bà Hòa Bình) của Scott và Kimberly Hahn
Surprised by Truth (Ngạc nhiên trước Sự thật) của Patrick Madrid
Việc thông tin sai lạc thì thật nguy hiểm. Vì sức khỏe và sự an lành của linh hồn chúng ta có thể gặp rủi ro, nên hãy dành thời gian phân định khi tiếp nhận thông tin. Đức Thánh Cha Phanxicô nói với chúng ta rằng “Giáo hội Công giáo là một bệnh viện dành cho các tội nhân”. Và Giáo hội, Hiến thê của Đức Kitô, có thể chữa lành chúng ta. Hãy chạy đến với Giáo hội.
                                                                                                     nguồn: trang GP Đà Nẵng
Tác giả: Mark Haas
Ngọc Quí chuyển ngữ từ catholicexchange.com (30.8.2021)
 
Trả lời


Đi tới chuyên mục:


Thành viên đang xem chủ đề: 2 Khách