20/05/2022, 09:12 AM
ĐI ĐI VÀ ĐỪNG SỢ!
Nhà chiêm tinh học Linda Goodmans người Mỹ, viết về trẻ em cung Bạch Dương rất dễ thương: “Bé sẽ lại đứng dậy, phủi bụi rồi lao vào chiến đấu tiếp. Sẽ có vài vết sẹo trên người bé khi trận chiến kết thúc, nhưng đừng ngăn cản dẫu bé bị đánh ngã bao nhiêu lần đi nữa. Hãy đợi bé kêu cứu, cơ mà bạn sẽ phải chờ lâu đấy.”
Trẻ em là thiên thần, nhiều đứa còn là những nhà thám hiểm bẩm sinh. Chúng không bị vướng vào thành kiến, nỗi sợ thất bại mà chỉ có sự khao khát học hỏi và niềm hứng khởi tìm hiểu thế giới. Các nhà thám hiểm nhí chẳng hề e ngại sự thay đổi, vùng đất mới hay môi trường mới. Qua đôi mắt trẻ thơ, “vẻ đẹp tuyệt diệu nhất thế giới này là chính bản thân thế giới.” (Wallace Stevens)
Khi con trẻ lớn lên, gia đình và xã hội tác động đến chúng. Tình yêu cuộc sống và tâm trí rộng mở của chúng dần bị thay bằng áp lực học hành, thi cử, kỳ vọng của mẹ cha,… Ít có phụ huynh nào khuyến khích con mình tiếp tục mơ mộng, ham thích phiêu lưu và sống thật thà. Họ sợ con mình dễ bị đời vùi dập, bị người khác lừa đảo hoặc chèn ép.
Cha mẹ hay nói: “Con phải nghe lời người lớn!”, “Cha mẹ biết điều gì là tốt nhất cho con”, “Trứng mà đòi khôn hơn vịt à?” .Hiếm người động viên: “Đi đi con! Đừng sợ!”
*
Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ luôn cố gắng hết sức bao bọc, che chở con cái khỏi cuộc đời đầy nguy hiểm rình rập. Một số người thì nuông chiều con quá mức, xem con là cục vàng, khiến đứa trẻ sinh kiêu ngạo, ngỡ “mình là số 2 thì không ai dám số 1” . Họ lúc nào cũng lo con mình bị tổn thương, thành ra vô tình nhốt “tục tưng” trong chiếc lồng an toàn, không thả cho nó bay ra trải nghiệm cuộc sống.
Ra đường chơi hoặc tự đến trường, sợ con bị xe tông, bắt cóc.
Tắm sông, tắm biển hay cắm trại càng không! Lỡ chết đuối hay gặp tai nạn thì sao?
Gặp gỡ bạn bè thì sợ chúng tụ tập, bị bạn xấu dụ dỗ.
Yêu sớm chỉ tổ phí thời gian học hành.
Chọn ngành nghề đó ư? Quá bất ổn! Hãy nghe cha mẹ, làm nghề nào ổn định, khỏi lo thất nghiệp ấy,…
Tóm lại, con cứ yên vị trong vòng tay cha mẹ là tốt nhất.
Nhiều phụ huynh ước con mình luôn may mắn, nhận được lòng tốt từ mọi người, không bao giờ gặp bất hạnh. Thật là những điều ước cảm động, tiếc rằng thiếu thực tế. Bởi đã sống trên đời, sẽ có lúc đối diện khó khăn, gian khổ, buồn đau, đôi lần còn sa ngã và lạc lối. Cha mẹ không thể che chở con mãi, vì con được sinh ra từ cha mẹ nhưng lại là một người độc lập. Con có quyền được sống cuộc đời của riêng mình. Cha mẹ chỉ có thể dắt tay khi con còn nhỏ dại. Quãng đường đời rộng lớn còn lại, con cần tự bước đi, tự mình sống và trải nghiệm thế gian.
Giống như câu chuyện của Osho về một người cha nọ có đứa con trai rất hiếu động và thích trèo cây. Dù lo con gặp tai nạn khi leo trèo, người cha biết cấm cản chẳng ích gì. Ông nhờ người hàng xóm là dân “pro” truyền nghề cho con mình. Người này dạy cậu bé buộc dây bảo hiểm vào người để không bị ngã xuống đất; chọn cành cây chắc mà đặt chân; cách trèo cây thẳng đứng, cây cổ thụ; không trèo cây trong mưa giông hoặc thời tiết lạnh,... Sau đó, cậu bé thỏa sức “sống với đam mê” mà vẫn giữ mình an toàn, không làm cha lo lắng.
**
Chuyện kể rằng, một lữ khách lên đường tìm kiếm điều mình mơ ước. Thầy của anh dặn: “Con tuyệt đối không được lầm đường lạc lối. Nếu lạc rồi sẽ không có lần thứ hai, khi đó con sẽ không thể tìm được điều mà con mong ước”. Không may người lữ khách đã lạc đường, trở nên kiệt sức, tuyệt vọng và mất phương hướng. Nhưng khi ngẩng lên nhìn, trải dài trước mắt anh là một thế giới tuyệt đẹp, còn hơn cả thứ anh từng khao khát.
Lạc lối, phạm sai lầm chưa chắc đã là chuyện tồi tệ. Có những điều thú vị chỉ có thể tìm ra nếu dám rời con đường mòn. Cha mẹ cứ cho con từ nhỏ đã nếm trải cảm giác mất mát: Mất dụng cụ học tập khoan hãy mua lại ngay; đi muộn một giờ học, lỡ chuyến xe, thi trượt chưa phải là chuyện trời sập! Con có thể đứt tay, bị phỏng khi tự nấu ăn. Mua “hớ” khi đi chợ. Cảm giác sợ hãi ban đầu khi học bơi. Bị té nhiều lần trước khi được tự đạp xe đến trường,… Đau nhưng nhờ vậy mà khôn ra.
“Ta đừng cầu xin được che chở khỏi nguy hiểm, hãy cầu xin có can đảm để đối đầu” (Rabindranath Tagore). Có lẽ đây cũng là điều mà nhiều bậc cha mẹ cần ước cho con mình, không phải ước chúng một đời bình an dễ dàng, mà ước chúng luôn có đủ lòng can đảm và nhân hậu để sống trọn vẹn.
Nguồn: Bs Lan Hải (Báo Công Giáo và Dân Tộc)