Đánh giá chủ đề:
  • 0 Vote(s) - Trung bình 0
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
Người trẻ Hàn Quốc già nhanh, đổ bệnh sớm
#1
Người trẻ Hàn Quốc già nhanh, đổ bệnh sớm
Báo cáo mới nhất cho thấy nhiều người trẻ ở Hàn Quốc già nhanh và mắc bệnh sớm hơn hàng chục năm vì lối sinh hoạt thiếu lành mạnh.
Dữ liệu do Dịch vụ Bảo hiểm Y tế Quốc gia Hàn Quốc công bố cho thấy những người ở độ tuổi 20 và 30 có tỷ lệ mắc bệnh mãn tính tăng mạnh hơn người ở tuổi 50 và 60. Tức là các bệnh lão khoa liên quan quá trình chuyển hóa như tiểu đường, huyết áp cao, gout và viêm khớp, hiện xuất hiện sớm hơn nhiều thập kỷ ở thế hệ Millennials (sinh từ năm 1980 đến 1995) và Gen Z (sinh từ năm 1996 đến 2010).
Cụ thể, số ca mắc bệnh tiểu đường ở độ tuổi 20 đến 30 tăng 73,8% so với một thập kỷ trước; con số tương tự ở bệnh cao huyết áp là 45,2%. Bệnh nhân trẻ tuổi mắc cholesterol máu cao cũng tăng hơn gấp đôi trong cùng thời kỳ.
Các chuyên gia y tế cho rằng thế hệ MZ (Millennials và Z) có nguy cơ "lão hóa ngày càng nhanh", khiến tuổi sinh học của họ già hơn tuổi thật. Nguyên nhân chủ yếu là sự mất cân bằng giữa công việc - cuộc sống cũng như việc thế hệ trẻ chọn lựa các chế độ ăn uống và lối sống khác biệt.
Đơn cử, Kang, 35 tuổi, cho biết sau một ngày làm việc, anh tìm đến các cửa hàng tiện lợi hoặc nơi bán thức ăn chế biến sẵn để có một bữa ăn nhanh chóng. Sau đó, người đàn ông quay lại cuộc sống bận rộn của mình và nhận được lời khen ngợi từ người xung quanh vì sự siêng năng. Tuy nhiên, việc này đã ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của anh.
Kang nhận kết quả mắc bệnh mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ và xơ cứng động mạch do lối sống. Hiện, người đàn ông dùng Statins, một loại thuốc điều trị mỡ máu cao.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ những căn bệnh này có thể xảy ra ở độ tuổi 30 của mình", anh nói.

[Image: Korean-4798-1698203154.jpg?w=680&h=0&q=1...jZ72w74XqA]
Một quán ăn đường phố tại Hàn Quốc. Ảnh: Freepik
Các chuyên gia y tế chỉ ra sự khác biệt giữa các thế hệ về thực phẩm, chế độ ăn uống và lối sống. "Những người trẻ ít hoạt động thể chất, ít tập thể dục kể từ khi đi học. Sau khi học đại học và tìm được việc làm, họ cũng không có thời gian tập luyện hay ngủ ngon", giáo sư Shim Kyung-won, khoa Y học Gia đình, Trung tâm Y tế Đại học Phụ nữ Ewha Seoul, nói, thêm rằng một khi chu kỳ này bắt đầu, họ sẽ ăn uống để khỏa lấp.
Mức tiêu thụ thịt và tinh bột tinh chế như bánh mì, đường của giới trẻ Hàn Quốc cũng tăng lên. Chỉ với một vài thao tác trên màn hình di động, họ có thể tiếp cận những thực phẩm này thông qua dịch vụ giao hàng, bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu.

Giáo sư Jung Hee-won, khoa Lão khoa, Trung tâm Y tế Asan, cho biết lượng đường trong máu tăng và giảm nhanh chóng khi một người tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, đường đơn và ngũ cốc tinh chế. Đồng thời, trong quá trình đó, các hormone gây căng thẳng xuất hiện và tạo điều kiện cho tế bào mỡ cũng tế bào ung thư phát triển.
Hiện nay, số lượng bệnh nhân trẻ đến gặp bác sĩ chỉnh hình cũng ngày càng tăng. Viêm bao khớp dính, còn được gọi là chứng cứng khớp vai, thường xuất hiện ở những người trên 50 tuổi. Căn bệnh này thậm chí còn được gọi là osipgyeon, có nghĩa là "vai đã bước sang tuổi 50". Tuy nhiên, hiện tại, các bác sĩ gọi nó là isipgyeon, nghĩa là "vai đã bước sang tuổi 20".
Theo Dịch vụ Bảo hiểm Y tế Quốc gia, những người trẻ tuổi và trung niên được chẩn đoán mắc bệnh viêm khớp thoái hóa với tỷ lệ tương tự.
Một sĩ quan họ Wi thường xuyên đến gặp bác sĩ chỉnh hình 3 hoặc 4 tháng một lần vì đau cổ tay và đầu gối. Mặc dù bác sĩ đề nghị Wi bảo vệ khớp nhưng Wi phải ngồi 12 tiếng mỗi ngày và thực hiện các công việc.
"Không có phương tiện hay cách nào thích hợp để bảo vệ các khớp của tôi, mặc dù tôi rất muốn", Wi nói.

[Image: 4-1183-1649516815-4035-1698209804.png?w=...HVG3Y0IO-A]
Người dân Hàn Quốc trên một chuyến xe buýt ở Seoul. Ảnh: AFP
Điều khiến các chuyên gia lo ngại là người trẻ không nhận thức được căn bệnh của mình hoặc quá tự tin về sức khỏe, nghĩ rằng U30 không thể bị ảnh hưởng. Tư duy này ngăn cản người trẻ tìm cách điều trị khi mắc bệnh.
Trong khi đó, các bệnh chuyển hóa mãn tính có thể phát triển thành những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, ung thư, gây tử vong nhanh chóng.
Giáo sư Kang Jae-heon, khoa Y học Gia đình, Bệnh viện Kangbuk Samsung, cho biết mắc bệnh mỡ máu cao, tiểu đường và huyết áp cao trong hơn một thập kỷ có thể dần dần gây chứng xơ cứng động mạch, làm cứng động mạch và cản trở sự lưu thông tự do của máu bên trong cơ thể.
"Giai đoạn đầu của chứng xơ cứng động mạch thường không gây ra rắc rối ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu nó phát triển quá xa, nó có thể làm vỡ mạch máu của một người", giáo sư Kang nói.
Dù vậy, các bác sĩ cho biết bệnh nhân càng trẻ thì càng có nhiều cơ hội điều trị. Đồng thời, người trẻ nên thay đổi lối sống, ăn uống, tập thể dục, cân bằng giữa công việc và giải trí.

                                                             Theo Korea JooAng Daily
Trả lời


Đi tới chuyên mục:


Thành viên đang xem chủ đề: 4 Khách