Đánh giá chủ đề:
  • 0 Vote(s) - Trung bình 0
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
CHUYỆN RAU CẦN GIA KIỆM
#1
[Image: 050864f3-9e0c-42fc-853f-39abe9a3a5ab.jpg]


[Image: 30fd89e5-a0f7-462f-9b4f-b5c6cf18b5ea.jpg]


[Image: 1be0f1cf-3695-49ea-8eeb-82ecb846451d.jpg]




CHUYỆN RAU CẦN GIA KIỆM
       Không biết từ lúc nào, nhưng hơn chục năm lại đây, quê tôi -  vùng Kiệm Tân, Giáo phận Xuân Lộc trồng rau cần nước phát triển rất mạnh, mỗi ngày tăng thêm diện tích. Có lẽ do người ta chuyển kỹ thuật cho nhau, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, thu nhập tốt hơn các loại cây trồng khác nên nội vùng có gần trăm  hécta diện tích rau cần.
Là loại rau thông thường trên bàn ăn mỗi gia đình, có thể chế biến thành nhiều món: Xào tỏi, xào bò, rau ăn lẩu, làm gỏi, muối chua với giá, rau răm…thậm chí người ta chỉ cần rửa sạch, ăn sống loại rau nhiều dinh dưỡng và khá rẻ.
Rau cần đặc thù ngâm mình trong nước và rễ cắm dưới bùn như sen. Từ lúc xuống giống, sau nhiều lần “canh nước” ra vào:  Lúc bơm ngập ruộng thành các ao, chỉ để cách ngọn hơn chục cm,  lại có thời điểm tháo nước  chỉ để lưng chừng thân rau bón phân thuốc, và trồng rau cần thì phải tuyệt đối đảm bảo nguồn nước sạch bởi nếu nước ô nhiễm rau không thể phát triển.
Rau cần nước ngay thu hoạch cũng khác những loại rau khác. Do thân non mọng với cả “cuộc đời” trầm mình trong nước, nên khi nhổ lên bờ vẫn phải duy trì xấp nước thì rau mới tươi, ngon và đảm bảo độ giòn khi chế biến. Thế nên thu hoạch khỏi ruộng phải được đem ngay đến “vựa” (đại lý/mối), rồi giao đến các điểm bán lẻ khác bảo quản. Tùy các mối buôn chợ buổi nào, mà nhà vườn phải đáp ứng thu hoạch theo giờ hẹn lấy. Có khi 12 giờ đêm các thửa ruộng đã chong đèn rực sáng, tất bật “lên rau” (từ địa phương chỉ công việc thu hoạch) để chập sáng rau sẵn sàng đến các chợ, cũng có khi suốt ngày nông dân ngâm mình trong nước nhổ, rửa, bó rau để đầu giờ chiều “tập kết”, sẵn sàng phân phối đến các chợ dân sinh trong đêm.
Khi đại dịch đến bất ngờ từ cuối tháng 6/2021. Dường như tất cả các ngành nghề ngừng trệ, chợ hết tụ họp,  hàng quán đóng cửa….Rau cần vòng đời chỉ hai tháng, nay đến lứa thu hoạch buộc phải nhổ. Từng ấy hecta rau của nông dân ùn ứ không tiêu thụ được. Một cuộc “giải cứu” như tất yếu phải đến.
Giáo xứ Võ Dõng – Hạt Gia Kiệm tiên phong, Cha xứ cùng Ban Điều Hành tiếp nhận nhà vườn ủng hộ, hay mua với giá tượng trưng vừa giúp nông dân tiêu thụ, thu hồi vốn, vừa thu nhận số rau khổng lồ tiếp viện các xứ khác. Giáo xứ vào tận vườn thu hoạch rau cần với số lao động chuyên và nghiệp dư – Một bức tranh ngày mùa nhộn nhịp, vui tươi, phấn khởi được mô tả dưới ống kính truyền thông của Giáo Hạt, chứ không phải là những lao động thường nhật.
Rau cần không lạ hay hiếm ở vùng đất Kiệm Tân. Ở đó người ta có thể cho, tặng nhau cả bó to về ăn khi đi ngang những thửa ruộng cần bát ngát. Những chuyến xe chất rau ngút cao, xếp nhiều bó thuần thục không hơn/ kém của các bà, các chị chuyên làm thuê. Trên cánh đồng ai vào việc đó nhịp nhàng lắm. Vùng đất này, cánh đồng rau này còn giải quyết cho biết bao lao động từ các tỉnh miền Tây đến lập nghiệp làm thuê, và với ơn Chúa hình thành cả giáo điểm truyền giáo cho người nhập cư nơi vùng đạo toàn tòng.
Dịch dã qua hai tháng, số rau ùn ứ đã chuyển đến tận mâm cơm gia đình bị phong tỏa. Người nông dân vẫn miệt mài xuống giống chuẩn bị vụ tiếp theo mà không khỏi phập phồng lo lắng khi cơn dịch chưa có hồi lắng. Những cánh đồng rau vẫn mướt xanh, vẫn thấp thoáng bóng người thiện nguyện thu hoạch rau tiếp viện, vẫn đâu đó tiếng thở dài của người nông dân đầu tư tính toán thua lỗ, nhưng cái nghiệp đã quấn lấy họ như đám bùn bám chân mỗi ngày ra thăm ruộng rau và chăm bón. Sự cần mẫn khiến họ không ngừng tay chân được.
Nhìn bức tranh quê "cánh đồng rau", người phương xa thấy thật đẹp. Đẹp bởi màu của thiên nhiên trong lành, của sự lạ lẫm, của việc liên tưởng đến dĩa rau cần xào tỏi thơm lừng, giòn, ngọt….nhưng đâu biết trong cơn dịch này, nông dân khóc, nước mắt hòa chung mồ hôi bất chợt rơi xuống khóe môi. Mặn chát. 

Nguồn: Fb Dung Nguyễn
Trả lời


Đi tới chuyên mục:


Thành viên đang xem chủ đề: 1 Khách